tin tức bệnh viện

Phẫu thuật thành công bệnh nhân bị ung thư thanh quản
[ Cập nhật vào ngày (17/08/2020) ]

Vừa qua, bệnh viện Tai Mũi Họng TP.Cần Thơ đã phẫu thuật thành công cho 1 bệnh nhân bị ung thư thanh quản. Bệnh nhân bị khàn tiếng đã lâu, uống thuốc điều trị không giảm. Bệnh nhân đến khám tại bệnh viện Tai Mũi Họng, qua thăm khám, xét nghiệm, nội soi kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có 1 khối u bất thường trên dây thanh. Sau khi sinh thiết khối u xác định đây là ung thư thanh quản. Bệnh nhân đã được bác sĩ tư vấn, chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt thanh quản bán phần để giải quyết khối u và lấy hết các tế bào ung thư


Khàn tiếng kéo dài, nên tầm soát ung thư thanh quản

Sau gần nửa năm bị khàn tiếng, uống thuốc điều trị hoài mà không khỏi, mới đây, ông Dương Văn H., 61 tuổi, ngụ ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai mới đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ. Kết quả, qua thăm khám, xét nghiệm, nội soi kiểm tra dây thanh, bác sĩ phát hiện một khối phát triển bất thường trên dây thanh, bệnh nhân được sinh thiết khối u xác định đây là ung thư thanh quản, khối u tiến triển ở giai đoạn 1B, từ dây thanh phải lan phía mép trước và dây thanh đối diện.

Bệnh nhân sau đó đã được các bác sĩ tư vấn, chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt thanh quản bán phần để giải quyết khối u và lấy hết các tế bào ung thư.

Không nên chủ quan

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Long Giang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ cho biết: “Triệu chứng sớm đầu tiên của bệnh ung thư thanh quản là khàn tiếng, tình trạng khàn tiếng kéo dài và tăng dần, uống thuốc không giảm. Tuy nhiên, một số người dân thường chủ quan, bỏ qua dấu hiệu này, khi bị khàn tiếng, ban đầu họ chỉ nghĩ là bệnh thông thường nên tự mua thuốc uống, ít đi khám tại các cơ sở y tế. Đến lúc bị khàn tiếng lâu không khỏi, hoặc khối u phát triển càng to gây khó nuốt hay khó thở, bệnh nhân mới đến bệnh viện khám. Khi đó, bệnh đã diễn tiến chuyển qua giai đoạn nặng hơn. Một số trường hợp u quá to gây hẹp thanh môn, bệnh nhân khó thở cấp, có thể tử vong nhanh chóng. Tại bệnh viện trong năm 2018 vừa qua, chúng tôi đã điều trị 3 trường hợp ung thư thanh quản, do phát hiện bệnh trễ nên phải phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần, bỏ toàn bộ thanh quản, bệnh nhân không thể nói chuyện sau mổ”.

Các bác sĩ khuyến cáo, nam giới lớn tuổi (từ 50 tuổi trở lên), bị khàn tiếng kéo dài (đã điều trị nội mà không đỡ), hoặc bệnh nhân có yếu tố nguy cơ gây ung thư thanh quản như tiếp xúc với hóa chất thường xuyên trong thời gian dài (thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm tóc, hóa chất trong các nhà máy dệt may, thủy hải sản,…), các chất kích thích (rượu, thuốc lá), bị viêm thanh quản tái đi tái lại thường xuyên… nên đến các bệnh viện chuyên khoa uy tín, để được khám và nội soi kiểm tra dây thanh nhằm tầm soát xem có tình trạng ung thư thanh quản hay không.

Phát hiện sớm, phẫu thuật kịp thời, tránh biến chứng

Theo các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ, ung thư thanh quản nếu được phát hiện, chẩn đoán sớm, phẫu thuật kịp thời thì khả năng phục hồi cũng như hiệu quả điều trị tốt hơn nhiều, sau mổ bệnh nhân vẫn có thể nói chuyện và cũng sẽ tránh được những biến chứng nặng, ảnh hưởng đến tính mạng và chất lượng cuộc sống sau này.

Hiện tại, với hướng phát triển chuyên sâu về chuyên ngành đầu mặt cổ, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ có triển khai các phương pháp phẫu thuật để điều trị cho bệnh nhân bị ung thư thanh quản. Tùy theo giai đoạn, vị trí, độ lan rộng của u cũng như tình trạng hạch cổ di căn mà các bác sĩ sẽ chọn lựa phương pháp phẫu thuật phù hợp.

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Long Giang cho biết: Phẫu thuật cắt thanh quản bán phần phức tạp và khó hơn nhiều so với phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần nhưng có ưu điểm là sau mổ bệnh nhân còn nói chuyện được, thở theo đường mũi họng, còn những trường hợp cắt thanh quản toàn phần sau mổ bệnh nhân không thể nói chuyện, thở qua lỗ mở khí quản ở giữa cổ, nguy cơ tái phát ung thư cao hơn. Kỹ thuật này đã được bệnh viện triển khai từ năm 2002 với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên là Đại học Y dược TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Được biết, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ cũng là bệnh viện đầu tiên trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng triển khai kỹ thuật này. Bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật cắt thanh quản cho gần 100 trường hợp.

Ngoài phương pháp mổ hở, từ giữa năm 2018, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ còn triển khai phẫu thuật cắt khối ung thư thanh quản bằng coblator qua nội soi. Với phương pháp này, bệnh nhân không phải rạch mở cổ, ít mất máu hơn và thời gian phục hồi nhanh hơn so với mổ hở. Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp này, bệnh nhân cần được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất.

Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ buộc phải phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần từ đó ảnh hưởng đến sinh hoạt, giao tiếp xã hội, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Chưa kể, phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần còn có tỷ lệ tai biến, nguy cơ tái phát cao hơn.

Để dự phòng bệnh ung thư thanh quản, bác sĩ Giang khuyên không nên để bị viêm thanh quản tái đi tái lại dẫn đến mạn tính, không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc các chất kích thích, hóa chất độc hại. Nhóm đối tượng có nguy cơ như đã kể trên hoặc làm các nghề nghiệp công nhân xây dựng, công nhân may, công nhân công ty thủy hải sản, đông lạnh, thợ hớt tóc, làm ruộng thường hay tiếp xúc với hóa chất nên đi khám định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần để được nội soi tầm soát ung thư thanh quản, giúp phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.

 




Hương Giang




Thông báo


thư viện VIDEO

Thư viện ảnh

SƠ ĐỒ ĐƯỜNG ĐI