tin tức bệnh viện

PIN ĐIỆN TỬ PHÁ HỦY NIÊM MẠC HỐC MŨI
[ Cập nhật vào ngày (19/02/2021) ]

Nhét cục pin cúc áo đồ chơi điện tử vào mũi, bé 4 tuổi bị axit phá hủy niêm mạc hốc mũi


 Các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Cần Thơ vừa điều trị cấp cứu một bệnh nhi 4 tuổi trú tại Trà Ôn, Vĩnh Long có dị vật pin đồ chơi điện tử nằm trong hốc mũi phải. Ngày 17/02/2021 (mùng 6 Tết Tân Sửu), bé gái N.Q.A, 42 tháng nhập viện trong tình trạng chảy máu mũi 1 bên. Theo lời kể gia đình người nhà không biết bé nhét pin vào mũi từ khi nào. Tuy nhiên, trước đó 1 ngày,  mẹ bé phát hiện bé bị chảy dịch vàng 1 bên hốc mũi phải lẫn máu, kèm theo bé nói bị nghẹt mũi nên người nhà đưa bé đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Cần Thơ kiểm tra. Tại đây, bác sĩ đã thăm khám, nội soi tai mũi họng và chụp X.quang cho bé A phát hiện dị vật nằm rất sâu trong hốc mũi phải và axit của pin đang phá hủy niêm mạc hốc mũi và vách ngăn mũi. Sau 30 phút  phẫu thuật bằng phương pháp nội soi, dị vật đã được lấy ra thành công. Sau lấy dị vật, bệnh nhi khỏe, được tái khám theo dõi định kỳ do niêm mạc hốc mũi và vách ngăn bị phá hủy bởi axit sẽ ảnh hưởng đến di chứng về sau.

  Đây là trường hợp dị vật rất nguy hiểm vì những dị vật có chứa hóa chất, như pin điện tử cần lấy ngay trong vòng 4 giờ. Nếu để lâu, pin có chứa axit sẽ gây loét niêm mạc, chảy máu, hủy niêm mạc hốc mũi, thủng vách ngăn mũi. Niêm mạc mũi khi lành lại cũng gây sẹo dính niêm mạc gây mất chức năng hô hấp của niêm mạc mũi xoang về sau.​ 

                             Cục pin trong hốc mũi

 

                    

                Niêm mạc hốc mũi bị axít pin phá hủy

 Theo các bác sĩ, dị vật mũi là bệnh thường gặp trong cấp cứu tai mũi họng, đặc biệt hay gặp ở trẻ em từ 1-6 tuổi. Trẻ khi chơi thường nghịch ngợm nhét những vật dụng, thực phẩm vào mũi như: đầu bút bi, sáp đồ chơi, nút nhựa, nút áo, các loại hạt, nguy hiểm nhất là pin điện tử... Do đó, khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như: chảy mũi hôi 1 bên mũi, ngạt mũi khó thở, chảy nước mũi nhiều, chảy máu mũi, cha mẹ hãy kiểm tra xem trong mũi bé có gì lạ hay không? Nếu phát hiện trẻ bị dị vật trong mũi, cần đến khám và điều tri ở các cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để lấy dị vật ra ngoài càng sớm càng tốt. Nếu để muộn, việc lấy dị vật sẽ khó khăn hơn và gây biến chứng viêm loét mũi, viêm mũi xoang.

 Ngoài ra, cha mẹ nên dạy bé nhận thức được việc nhét đồ vật vào mũi là việc làm nguy hiểm. Đặc biệt, cần phải luôn quan sát các hoạt động vui chơi của trẻ, cho trẻ chơi các loại đồ chơi phù hợp với lứa tuổi. Đặc biệt cẩn thận khi cho trẻ nhỏ chơi với các loại đồ chơi có pin điện tử vì tính chất ăn mòn axit của pin rất nguy hiểm cho trẻ.




Bs.CKII.Hồ Lê Hoài Nhân




Thông báo


thư viện VIDEO

Thư viện ảnh

SƠ ĐỒ ĐƯỜNG ĐI